Kinh nghiệm trekking Tà Xùa Yên Bái Trạm Tấu chi tiết từ A – Z

TrekkingTà Xùa Yên Bái liệu có đúng? Tà Xùa là cái tên mà có lẽ nghe qua thôi các bạn sẽ mường tượng về một mảnh đất giao thoa giữa đất trời, nơi chúng ta thức dậy chìm trong làn sương ban mai cùng một cốc cà phê ở trên tay. Tà Xùa cũng là nơi mà nhiều du khách nghe qua thường gắn liền với sống lưng khủng long huyền thoại. Tất cả những điều chúng mình nói ở trên đều đúng, nhưng đó là Tà Xùa ở Sơn La nơi phù hợp với các bạn trẻ muốn check in, sống ảo và săn mây.

Thế nhưng ít ai biết được rằng vẫn còn tồn tại một Tà Xùa khác – một Tà Xùa có cái tên y hệt nhưng nằm cách đó hơn 40km ở Yên Bái. Tà Xùa chúng mình đang nhắc tới ở đây là nơi chỉ dành cho những người ưa mạo hiểm, dám đương đầu với thử thách, là “thánh địa” của dân leo núi. Nơi đây cao hơn rất nhiều so với Tà Xùa ở Sơn La, không gian rộng lớn, hiểm trở và cũng có một sống lưng khủng long hùng vĩ, nguy hiểm hơn rất nhiều. Người ta vẫn thường đồn rằng chỉ những ai đủ can đảm mới có thể leo lên “sống lưng” của con mãnh thú ấy. Tà Xùa Yên Bái – Thiên đường mây ở độ cao 2865m.

Một góc ở Tà Xùa Yên Bái
Một góc ở Tà Xùa Yên Bái

Giới thiệu về Tà Xùa Yên Bái

Tà Xùa Yên Bái nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh quanh năm chìm trong mây và sương mù, đỉnh Tà Xùa Yên Bái lừng lững ở độ cao 2.865m so với mực nước biển. Đỉnh núi này là một trong số những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Tà Xùa nằm ở xã Bản Công – huyện Trạm Tấu – Yên Bái giáp ranh với khu vực Bắc Yên – Sơn La. Chính vì vậy mà xuất hiện tới hai cái tên Tà Xùa ở hai địa điểm xa nhau tới hơn 40km. Đỉnh Tà Xùa cách Hà Nội hơn 240km nên để tới được nơi này, bạn sẽ phải trải qua một quãng đường di chuyển khá dài và mệt.

Giới thiệu về Tà Xùa Yên Bái
Giới thiệu về Tà Xùa Yên Bái

Theo xếp hạng của những trekker lâu năm thì đỉnh Tà Xùa nằm trong top những đỉnh núi có địa hình hiểm trở và khó chinh phục nhất tại Việt Nam. Chúng mình cũng đã từng có dịp thử thách tại đỉnh núi Tà Xùa và có nhận xét rằng địa hình ở đỉnh núi này đa phần là những đoạn gấp khúc, nhiều dốc và tốn sức lực để leo. Vì thế mà để có thể hoàn thành việc leo lên đỉnh Tà Xùa đòi hỏi bạn phải có một thể lực tốt cũng như có kinh nghiệm trong việc leo núi.

Thời điểm lý tưởng để du lịch Tà Xùa Trạm Tấu

1. Những tháng bạn nên đi Tà Xùa Yên Bái

Không giống như những điểm du lịch khác, Tà Xùa Trạm Tấu có những thời điểm phù hợp và không phù hợp để bạn bắt đầu kế hoạch chinh phục nó. Trong một năm sẽ có hai thời điểm thích hợp để bạn chọn lựa cũng như đặt chân lên đỉnh gồm:

  • Tháng 3 đến đầu tháng 5: Đây là khi mùa xuân đã về trên khắp những con đường đất tại Tà Xùa. Mùa xuân – cây cối đâm chồi nảy lộc nên có một Tà Xùa trông thật tươi mới và thú vị. Đây cũng là thời điểm mà thời tiết khô ráo, những cánh rừng hoa đỗ quyên nở rộ tạo nên một khung cảnh thơ mộng ở chốn rừng xanh Tây Bắc này đó.
  • Đầu tháng 9 tới cuối tháng 12: Thời điểm thứ hai trong năm mà bạn cũng nên đi leo núi Tà Xùa kéo dài từ đầu tháng 9 cho tới cuối tháng 12. Lúc này mùa đông đã về trên miền rẻo cao Yên Bái nhưng bù lại thì thời tiết hanh khô, không có mưa nên bạn có thể dễ dàng leo lên đỉnh núi mà không gặp trở ngại gì về thời tiết. Đây cũng là mùa mà rêu phát triển mạnh nhất tạo thành một rừng rêu ma mị trong suốt cung đường trekking đó.
Thời điểm trekking Tà Xùa đẹp nhất
Thời điểm trekking Tà Xùa đẹp nhất

2. Thời điểm bạn nên tránh leo núi Tà Xùa

Mặc dù leo núi Tà Xùa là hoạt động thu hút nhiều tâm hồn ưa mạo hiểm nhưng không vì thế mà các bạn nên đánh liều và mạo hiểm leo đỉnh núi này vào những thời điểm như từ tháng 6 tới tháng 8 và từ tháng 1 tới tháng 3. Lý do là bởi đây là lúc mùa mưa diễn ra nên đường sẽ trơn trượt. Không những vậy thì mùa mưa kéo theo chuyện sẽ xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét gây nguy hiểm tới các đoàn leo núi. Bên cạnh đó thì mùa mưa cũng thường xuất hiện nhiều rắn rết, các loài côn trùng nguy hiểm nơi “rừng thiêng nước độc”.

Kinh nghiệm trekking Tà Xùa Yên Bái

1. Đi như thế nào để tới đỉnh Tà Xùa?

Khác với Tà Xùa ở Bắc Yên Sơn La khi xe ô to có thể đi thẳng vào tới được thì di chuyển tới Tà Xùa Yên Bái lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Để đặt chân lên được ở đỉnh núi tại độ cao 2865m, bạn sẽ phải trải qua một chặng đường dài di chuyển, cụ thể như sau:

Chặng 1: Từ Hà Nội tới Nghĩa Lộ

Từ Hà Nội tới Nghĩa Lộ sẽ là khởi đầu của cuộc hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa. Quãng đường này kéo dài khoảng 7 tiếng trên quãng đường 250km. Thông thường thì bạn có thể bắt xe từ Hà Nội ở bến xe Mỹ Đình. Loại xe thông dụng nhất cho quãng đường này sẽ là xe giường nằm. Có hai khung giờ phổ biến là 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. Tại Nghĩa Lộ, bạn sẽ được trả tại trung tâm thị xã này. Hiện không có hoặc có rất ít nhà xe di tuyến Hà Nội – Trạm Tấu.

Di chuyển tới Nghĩa Lộ
Di chuyển tới Nghĩa Lộ

Chặng 2: Từ Nghĩa Lộ tới Trạm Tấu

Sau khi tới Nghĩa Lộ rồi thì bạn sẽ cần di chuyển tới Trạm Tấu – nơi đỉnh Tà Xùa tọa lạc. Bạn có thể chọn thuê xe máy cá nhân với mức giá khoảng 150.000 đồng/ngày/xe để tới Trạm Tấu. Phương án thứ hai là bạn đi bằng xe buýt. Các tuyến xe buýt này chuyên chạy tuyến Nghĩa Lộ – Trạm Tấu với mức giá khá rẻ, chỉ khoảng 50.000 đồng/người với tần suất 2- 3 chuyến/ngày. Từ Nghĩa Lộ tới Trạm Tấu đi mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Nếu như bạn là người say xe thì hãy chuẩn bị tinh thần bởi cung đường này sẽ đi qua khá nhiều đoạn đèo hiểm trở.

Khởi hành lên đỉnh Tà Xùa
Khởi hành lên đỉnh Tà Xùa

Chặng 3: Trạm Tấu – Bản Công (điểm leo núi Tà Xùa)

Tới Trạm Tấu rồi nhưng đó vẫn chưa phải hành trình cuối cùng để bắt đầu leo núi Tà Xùa. Bạn sẽ cần phải đi tiếp một chặng nữa trước khi thật sự dấn thân vào cuộc hành trình gian khổ ấy. Từ Trạm Tấu tới Bản Công khoảng 10km và có 2 lựa chọn: Bạn tự thuê xe máy đi vào Bản Công hoặc thuê các bác tài xế địa phương (thường kiêm các porter dẫn leo núi). Mức phí xe ôm khoảng 100.000 đồng/người.

Bản Công - điểm leo núi Tà Xùa
Bản Công – điểm leo núi Tà Xùa

Chặng 4: Bản Công – Đỉnh Tà Xùa

Tới được Bản Công rồi thì chuyến đi leo núi của bạn có thể bắt đầu được rồi. Thường thì các porter sẽ hẹn bạn tại điểm leo ở Bản Công và nơi đây cũng là mái nhà của những anh/chị porter. Nếu bạn chưa hiểu thì chúng mình xin phép được giải thích về porter. Cụ thể thì họ thường là những người dân bản địa, quanh năm sông bằng công việc đồng áng, nông nghiệp. Những năm gần đây thì dịch vụ leo núi phát triển mạnh nên họ còn làm thêm công việc porter – tức là dẫn đường và sắp xếp chỗ ngủ, lo việc ăn uống cho khách leo núi. Các porter cũng thường là những chủ lán ngủ ở trên núi và bạn bắt buộc phải thông qua họ mới có thể đặt dịch vụ lán ngủ nhé.

Một góc sống ảo gần đỉnh Tà Xùa
Một góc sống ảo gần đỉnh Tà Xùa

Từ Bản Công lên tới đỉnh Tà Xùa dài 12km. Nghe có vẻ ngắn phải không? Nhưng đó không hề dễ dàng và 12km đó có lẽ sẽ là 12km dài vô cùng trong cuộc đời các bạn. Lý do là bởi bạn không đi được xe máy nữa đâu mà phải dựa vào sức lực của bản thân để hoàn thành cung đường 12km băng qua rừng, suối, thác, các đoạn đèo mà hai bên là vực sâu thăm thẳm. Nhưng đừng lo vì chính quyền huyện Trạm Tấu đã cho lắp đặt các lan can bằng dây thép ở khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho du khách rồi.

2. Ngủ ở đâu khi đi Tà Xùa Yên Bái?

Đỉnh Tà Xùa – Yên Bái không phải là một khu du lịch, cũng không phải là một khu resort nên sẽ không có những khách sạn, nhà nghỉ hay homestay đâu bởi vì ở độ cao gần 3.000m thì thật khó để xây dựng những công trình này ở một ngọn núi có địa hình hiểm trở như thế. Để hoàn tất cung đường trekking ấy thì bạn sẽ cần tối thiểu 2 ngày. Ngày đầu tiên bạn sẽ leo từ Bản Công tới lán ngủ ở độ cao 2.200m. Đây chính là khu vực để bạn nghỉ đêm, vệ sinh, tắm rửa cũng như dùng bữa tối. Có tổng cộng 3 lán nghỉ tại Tà Xùa và chúng được xây dựng hoàn toàn bởi các porter địa phương – bao gồm cả việc vận chuyển gỗ và vật liệu xây dựng.

Giá cho một đêm ngủ tại lán sẽ là 100.000 đồng/người. Lán ngủ sẽ được xây dựng theo mô hình homestay tập thể, mỗi người sẽ có một đệm riêng kèm theo chăn, gối đầy đủ. Tuy nhiên thì chăn gối có những thời điểm sẽ bị ẩm, mốc bởi đặc trưng của địa hình miền núi Tây Bắc.

Bạn có thể ngủ tại lán của người dân bản địa hoặc tự cắm trại
Bạn có thể ngủ tại lán của người dân bản địa hoặc tự cắm trại

Nếu bạn không muốn ngủ tại lán thì có thể tự mang vác lều và cắm trại nghỉ đêm. Khu vực xây lán có địa hình bằng phẳng nên bạn có thể cắm trại, dựng lều và nghỉ đêm. Nhưng bạn nên né những ngày mưa bởi vì việc cắm trại sẽ không đảm bảo an toàn đâu nhé.

3. Đỉnh Tà Xùa Yên Bái có gì thú vị?

Mỏm đầu rùa – Điểm săn mây ấn tượng

Trên hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa, bạn sẽ đi qua rất rất nhiều cảnh đẹp mà có trong mơ bạn cũng khó tưởng tượng ra được. Vào một ngày đẹp trời, biển mây sẽ giăng khắp nơi mà bạn đi, từng bước chân mà bạn đặt xuống ở miền đất này. Trekking sẽ mệt, rất mệt nhưng có lẽ khung cảnh thiên nhiên mà bạn được nhìn thấy, được tận tay sờ vào sẽ khiến bạn cảm thấy sự vất vả ấy hoàn toàn xứng đáng.

Trong hành trình đó, bạn sẽ ghé thăm mỏm Đầu Rùa. Thực chất đây là một mỏm đá nhằm nhô ra ở khúc cua tại độ cao khoảng 1.800m có hình dáng giống như đầu một chú rùa. Mỏm đá này sở hữu view nhìn thẳng ra núi rừng Yên Bái. Một biển mây ở phía trước đang chờ đón bạn. Tại đây, bạn cũng tha hồ tạo dáng chụp ảnh với hàng nghìn góc chụp khác nhau đó.

Mỏm đầu rùa - Điểm check in ấn tượng
Mỏm đầu rùa – Điểm check in ấn tượng

Săn mây

Săn mây là đặc sản ở Tà Xùa nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể tận mắt chứng kiến. Vì thế mà nhiều trekker vẫn truyền tai nhau rằng leo núi thì dễ, nhưng để săn được mây thì phải tùy thuộc vào “nhân phẩm” của các bạn. Chúng mình có dịp leo đỉnh Tà Xùa vào năm ngoái vào thời điểm tháng 11 khi thời tiết đẹp và săn mây được ở từ chân núi cho tới lên đỉnh núi. Bật mí cho các bạn biết những thời điểm săn mây có tỉ lệ thành công cao nhất như sau: Từ đầu tháng 9 cho tới cuối tháng 12 và từ tháng 3 cho tới tháng 5 hàng năm.

Bạn có thể săn mây Tà Xùa tùy theo từng thời điểm
Bạn có thể săn mây Tà Xùa tùy theo từng thời điểm

Cây táo cô đơn

Hội “F.A” lâu năm đã biết có một cây táo mèo cô đơn ngự trị lẻ loi trên Đỉnh Gió cũng giống như mình không? Đứng tại đây, bạn sẽ được thưởng thức một bức tranh thiên nhiên vô cùng nên thơ, đắm mình vào những cơn gió lạnh ngày đông và cảm nhận hơi thở của khí trời tươi xanh ở Tà Xùa.

Rừng phong mùa đỏ lá
Rừng phong mùa đỏ lá

Sống lưng khủng long

Và chắc chắn rồi, linh hồn của Tà Xùa Yên Bái – nơi nguy hiểm nhất, địa hình điên rồ nhất nhưng cũng là nơi thách thức những trái tim ưa mạo hiểm nhất chính là sống lưng khủng long. Nếu bạn có dịp đi cả hai sống lưng khủng long ở Tà Xùa Yên Bái lẫn Tà Xùa Sơn La thì bạn sẽ phải suy nghĩ lại về định nghĩa “sống lưng khủng long”. Lý do rất đơn giản, sống lưng khủng long ở Tà Xùa Yên Bái quá hùng vĩ, hiểm trở khiến cho người anh em ở Bắc Yên Sơn La trở nên có phần lép vế.

Linh hồn của Tà Xùa Yên Bái - Sống lưng khủng long
Linh hồn của Tà Xùa Yên Bái – Sống lưng khủng long

Không giống như ở Tà Xùa Sơn La nơi mà bạn có thể đi xe máy tới sống lưng khủng long thì ở Tà Xùa Yên Bái, bạn bắt buộc phải cuốc bộ quãng đường kéo dài 2km để đi qua sống lưng này. Thế nhưng 2km đó sẽ kéo dài lắm đó bởi vì các đoạn dốc lần lượt lên, xuống với mức độ liên tục, dồn dập. Thậm chí vì hai bên là dốc thẳng đứng quá nguy hiểm mà chính quyền địa phương đã phải bố trí rào chắn bằng thép nhằm đảm bảo an toàn. Chinh phục sống lưng khủng long mất khoảng 3 giờ đồng hồ nhưng đó là 3 tiếng xứng đáng mà bạn sẽ nhớ mãi không quên.

Rừng rêu ma mị nơi đỉnh núi

Ở gần đỉnh núi Tà Xùa với độ cao khoảng 2.600m sẽ là một cánh rừng rêu kéo dài nhiều km. Cánh rừng rêu này chẳng ai biết có từ bao giờ, những người dân bản địa cũng không biết và nơi đây đã vô tình trở thành điểm nổi bật của Tà Xùa so với bất kì đỉnh núi nào khác. Rêu ở đây mọc nhiều tới nỗi chúng phủ kín những cành cây, thân cây và cả lối đi. Hình như rêu mọc ở mặt đất như để nâng niu những đôi bàn chân trekker, khiến sự gập ghềnh của địa hình, đất đá vơi đi phần nào với chính chúng ta vậy.

Rừng rêu ma mị nơi đỉnh núi
Rừng rêu ma mị nơi đỉnh núi

Rừng rêu này vẫn thường được ví như một nơi ma mị bởi vì chúng yên tĩnh, lặng thinh mà có lẽ bạn cũng cảm thấy đúng như vậy. Giơ máy ảnh hoặc điện thoại lên, bạn sẽ có những bức ảnh để đời trong một khu rừng nguyên sinh độc đáo bậc nhất tại Việt Nam. Và khi vượt qua rừng rêu, bạn sẽ chạm tay vào cột mốc 2.865m – cái cột mốc tưởng chừng như đơn giản nhưng đủ khiến bao người phải chùn bước.

Buổi tối quây quần bên bếp lửa

Đêm ở lán nghỉ tại độ cao 2.600m có lẽ là một trong những đêm vui nhất trong cuộc đời bạn. Ở đây dù thiếu thốn đủ thứ, từ cơ sở vật chất cho tới điện, nước và ở đây cũng vô cùng lạnh bởi vì nó nằm ở độ cao này. Thế nhưng khi bập bùng bên bếp lửa và cùng nướng gà, nướng thịt, nhâm nhi tách cà phê, bạn sẽ thấy điều đó thật đáng giá khi quây quần cùng những anh chị porter và bạn bè.

4. Một vài lưu ý quan trọng

Theo kinh nghiệm trekking đỉnh Tà Xùa Yên Bái của chúng mình thì để chuyến hành trình leo núi trọn vẹn, an toàn và vui vẻ thì bạn không nên và tuyệt đối không được bỏ qua những lưu ý như sau:

  • Thiên nhiên là nơi ta đặt chân tới, và đừng để lại điều gì khác ngoài dấu chân. Vì vậy bạn không nên xả rác nhằm đảm bảo cảnh quan sạch đẹp ở Tà Xùa.
  • Đường sá ở Tà Xùa vô cùng khó đi lại, đặc biệt là khu vực sống lưng khủng long nên bạn hãy đi thật chậm để đảm bảo an toàn nhé.
  • Bạn cần chắc rằng mình không gặp phải các vấn đề liên quan tới hô hấp vì càng lên cao, không khí càng loãng và bạn có thể gặp phải một số vấn đề như sốc độ cao, khó thở.
  • Bạn tuyệt đối không nên tách đoàn khi leo núi, nhất là khi trời tối vì đi lạc nơi rừng sâu sẽ vô cùng nguy hiểm.
  • Bạn nên tôn trọng văn hóa địa phương

𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐓𝐎𝐔𝐑 𝐕𝐈𝐄𝐓 𝐍𝐀𝐌

Add: 14 Hàng Mành, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Tel: 02439.99.89.79

Hotlines:0867.664.442  – 0867.664.446

Email: info@sinhtour.vn

Website: http://sinhtour.vn

Gọi ngay để được tư vấn

Hoặc gửi yêu cầu tư vấn

    Sinhtour sẽ liên hệ với bạn

    Đăng ký tư vấn

      Tư vấn ngay 0867.664.446